Cho tới hiện đại, dựa vào thư tịch thì chúng ta biết rằng người Nhật đã từng đặt chân trên dải đất hình chữ S của đất nước Việt Nam từ thời Nara, cách nay khoảng 1300 năm. Đó là cả một câu chuyện dài.
Cụ thể, vào tháng 8 năm 732, ông Hegurino Hironari 平群 広成(?-753) được Thánh Vũ thiên hoàng 聖武天皇 (701-756) sai đi sứ nhà Đường bên China. Đoàn sứ này có cả thảy 4 thuyền lớn do 4 người dẫn đầu. Tháng 4 năm 733 đoàn thuyền đi sứ bắt đầu xuất phát ở cảng Naniwatsu 難波津, một vị trí chưa xác định nhưng biết rằng nằm trong vịnh Osaka ngày nay.

Khi này nhà Đường có một số xung đột trên biển với vương quốc Bột Hải (nằm ở vùng cực bắc Triều Tiên và một phần China ngày nay), tuy nhiên cuối cùng đoàn sứ Nhật Bản đã vô sự tới được kinh đô nhà Đường và dâng tặng vật phẩm để giao hảo. Tài liệu Sách Phủ Nguyên Quy của China chép: 開元22年4月日本国遣使来朝、美嚢絁二百匹、水織絁二百匹を献ず。 – Năm Khai Nguyên thứ 22 tháng Tư, sứ thần người Nhật Bản đến triều, tặng 200 cuộn vải gai Mỹ Nang cùng 200 cuộn vải Thủy Chức. (Hai loại vải thời cổ đại của Nhật, hiện tại đã thất truyền)
Sau khi triều cống, đoàn sứ cũng đi giao lưu với các du học tăng và người Nhật đang cư ngụ ở China thời bấy giờ. Đến tháng 10 cùng năm thì xuống thuyền về nước. Chẳng may, cả đoàn thuyền đều gặp bão lớn trôi dạt mỗi thuyền một nơi. Một thuyền trôi tới Tanegashima là một đảo ở vùng Kyushu cực nam nước Nhật, hai thuyền trôi tới Phúc Kiến. Còn thuyền còn lại do Hegurino Hironari dẫn đầu đã trôi rất xa về phía nam và cặp bến vào một vùng đất mà người dân có da màu ngăm đen, gọi là Côn Luân Quốc 崑崙国. Trên thuyền lúc ấy có cả thảy 115 người đều sống sót.

Tuy nhiên, khi bị vệ binh của nước này bắt thì đoàn người Nhật Bản đã chống cự và vừa chết vừa chạy mất chỉ còn sót lại 90 người. Thế nhưng có thêm một điều không may cho người Nhật là họ không quen với khí hậu nhiệt đới và gần như tất cả đã chết vì bệnh sốt rét, chỉ còn sót lại 3 người thủy thủ và Hegurino Hironari. Sau đó các ông này bị áp giải đến kinh đô của nước này là thành Simhapura để bái kiến vua. Tới đây, thì có thể dựa vào tư liệu để xác định được thành này chính là kinh đô của vương quốc Champa, và có vị trí hiện nay là làng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nước ta. Thêm một dữ kiện khác khá vững chắc để xác định nước Côn Luân chính là Champa, đó là trong Toàn Đường Thư quyển số 287, thừa tướng nhà Đường là Trương Cửu Linh cũng có ghi chép lại việc này và gọi nước này là Lâm Ấp Quốc林邑国 – Lâm Ấp chính là cách mà người nhà Đường gọi Champa vậy.
Hegurino Hironari và các thủy thủ người Nhật bị giam lỏng cho đến năm 735 thì nhờ cậy các thương nhân người Champa đưa sang Khâm Châu của nhà Đường. Vì tại thời điểm này, tung tích chiếc thuyền của Hegurino Hironari đang được truy tìm khắp nơi, và việc các ông đang ở Champa có lẽ các thương nhân đi lại giữa Champa và nhà Đường đã hiểu ra cớ sự.

Từ Khâm Châu, các ông được giúp gởi đến kinh đô Trường An của nhà Đường rồi tìm cách về lại Nhật Bản. Tuy nhiên, mãi tới năm 738 thì mới có cơ hội về nước bằng đường biển.
Những năm này, nước ta đang bị nhà Đường đô hộ, nhưng biên giới thì vẫn chỉ đi khỏi vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Và các anh hùng dân tộc nước mình thời này là các ngài Mai Hắc Đế Mai Thúc Loan (?-722) và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (?-791).
Vùng đất từ miền Trung trở vào Nam thì rất ít tư liệu vì khi này người Phù Nam và Lâm Ấp làm chủ. Ấy vậy mà việc giao lưu Nhật Việt lại bắt đầu ở miền Trung, và chúng ta biết được một vài chi tiết nhỏ về mảnh đất miền Trung của mình khi đó, quả là thú vị các bạn nhỉ?