
Định nghĩa
Môn Sumo là một hình thức vật nhau giữa hai lực sĩ trong một vòng tròn đường kính 4.55 mét. Người nào bị ngã hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn là thua cuộc. Đối với người Nhật, sumo không chỉ là thể thao, môn này được coi là quốc kỹ, là võ đạo, là một hình thức dâng cúng thần linh và cũng bao gồm luôn ý nghĩa vui chơi hội hè.
Tên gọi
Theo sách cổ sử Nhật Bản Thư Kỷ, từ thời đại của thần thoại thì đã có môn sumo, khi đó gọi là sumahi với một số cách viết khác nhau như 角力, 捔力, 角觝…với ý nghĩa là “so sánh sức mạnh”. Ngoài ra còn có cách gọi khác là tegoi 手乞 với hàm ý là hai người dùng tay phân định thắng thua.
Những cách gọi cổ này vẫn tồn tại và thậm chí thịnh hành cho tới thời Edo vào thế kỷ XIX. Đối với những người được coi là có tư cách sumo, thì danh xưng chính thức của họ là Rikishi 力士nghĩa là lực sĩ, hoặc là Sumotori 相撲取り – người có tư cách sumo, hoặc thân thiết hơn là Osumosan お相撲さん – ông sumo.
Từ thời Meiji, cách gọi môn thể thao này là sumo trở nên phổ biến, và hai chữ sumou 相撲 cũng được dùng chính thức cho đến ngày nay.
Trận đấu đầu tiên
Ban đầu, sumo chỉ thuần túy là shinji 神事 – hoạt động cúng tế diễn ra trong khuôn viên các thần cung và thần xã lớn. Nghĩa là người xưa dùng môn võ vật này để vật cho thần linh xem và các thiên hoàng cùng quý tộc được coi ké mà thôi.
Trận đấu sumo cổ nhất được lịch sử ghi lại là trận đấu vào ngày 7 tháng 7 năm thứ 7 đời Thụy Nhân thiên hoàng, tức năm 23 trước Công nguyên. Trận đấu lịch sử này cũng được xem là nguồn gốc nguyên thủy của môn Judo. Đây là trận đấu giữa Nominosukune 野見宿禰 và Taimanokehaya 当麻蹴速 là hai lực sĩ nổi tiếng đương thời. Khi ấy Taimanokehaya ở nước Yamato (vùng Nara ngày nay) thường cậy mình có sức mạnh hơn người, nên đi khắp nơi tìm đối thủ để đánh sinh tử. Thiên hoàng Thụy Nhân đang ở nước Izumono (vùng Shimane ngày nay) đã cho đệ nhất dũng sĩ sumahi Nominosukune ra khiêu chiến.

Kết cục, Nominosukune đã bẻ gãy xương sống đồng thời đá gãy xương sườn của Taimanokehaya, làm cho tay lực sĩ phách lối này bị chết thẳng cẳng. Kỹ thuật đá này của Nominosukune còn tồn tại tới ngày nay, gọi là Keriwaza 蹴り技.
Sau trận đấu này, võ công sumahi chuyên cúng thần được công nhận là có thế thực chiến. Và hai ông lực sĩ Nominosukune và Taimanokehaya cũng được đời sau phong là thủy tổ của võ sumo.
Cứ như thế, dần dần các quy luật trong đấu vật sumo được xây dựng chặt chẽ hơn, và những nghi thức trước khi bắt đầu vào trận đấu cũng được giữ nguyên. Sumo bây giờ vừa là môn võ cúng thần vừa là môn thể thao cho đại chúng thưởng lãm.
Bạn đã từng đi xem sumo chưa? Chia sẻ cảm tưởng với AFJ nhé! Hoặc đặt tour tại AFJ để có cơ hội xem Sumo tận mắt vào các mùa giải.